Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Khó hay dễ?
Nằm trong Tuần lễ Doanh nhân và Sách do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam (chi nhánh phía Nam), Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức, tọa đàm “Văn hóa đọc trong doanh nghiệp” diễn ra vào chiều 11/10/2020 đã mang đến một góc nhìn mới về văn hóa đọc trong doanh nghiệp.
Là một người mê đọc sách và mong muốn xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp, bà Tô Mỹ Châu – Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Phùng Hưng kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giấy CP cho rằng, việc xây dựng văn hóa đọc trong công ty là vô cùng khó. Bà cho biết: “Để tạo thói quen thì vạn sự khởi đầu nan. Mặc dù công ty đã dành hẳn một không gian thư viện nhỏ và thiết kế rất tinh tế cho nhân viên đọc sách nhưng giờ nghỉ trưa chỉ có 15 phút, mọi người tranh thủ ăn rồi nghỉ ngơi chứ không ghé qua thư viện”.
Khi nhân viên hỏi: “Vì sao càng ngày chị giao tiếp tốt hơn, truyền cảm hứng tốt hơn?”, tôi nói: “Đó là nhờ sách và tôi đã chia sẻ với họ giá trị của việc đọc sách”.
Tuy nhiên, các bạn lại đặt vấn đề: “Nghe chị nói thì cũng có động lực nhưng khi về nhà với nhiều lựa chọn xem tivi, lướt Facebook thì đọc sách bị… xếp sau. Nhiều em cho rằng, sau giờ làm, về nhà vẫn tiếp tục làm việc, không còn thời gian cho đọc sách, nhiều lúc cũng cố gắng cầm quyển sách lên nhưng rồi… ngủ”.
Cùng khó khăn như bà Châu, bà Tâm Như Hạnh – CEO Công ty TNHH MTV Nội thất gỗ sồi Lâm Hoàng Phát chia sẻ: “Xây dựng văn hóa đọc trong một doanh nghiệp sản xuất vốn có 65% nhân viên là lao động phổ thông là việc vô cùng khó. Do vậy, cách làm của tôi là tự mình noi gương đọc trước, rồi cắt ra những đoạn nào có ích, phù hợp, dán lên tường để công nhân dễ dàng tiếp cận”.
Được xem là một công ty có mô hình văn hóa đọc thành công, ông Trần Văn Thái – Giám đốc Nhân lực cộng đồng C.T Group cho rằng, “bí quyết” thành công của C.T Group là phải xây dựng một thư viện rất nhiều sách và nhân viên phải đọc sách hằng ngày.
Để nhân viên tự giác đọc, ông Thái bật mí: “Phải bắt đầu từ việc nêu gương từ các cấp lãnh đạo và tiêu chí tuyển nhân sự cấp trung của C.T Group là ngoài năng lực chuyên môn còn phải có ý thức tự học hỏi, rèn luyện, phát triển. Đây cũng chính là tiêu chí tuyển dụng”.
Song quan trọng là phải hướng cho nhân viên hiểu vì sao phải đọc và kết quả việc đọc sách sẽ mang lại hiệu quả gì và hằng tuần, nhân viên phải báo cáo việc tự học và đọc như thế nào.
“Đưa việc đọc sách vào KPI đánh giá hiệu quả công việc để khuyến khích đọc sách” là một cách làm hiệu quả mà C.T Group đang áp dụng. Bên cạnh đó, thư viện phải được kiến tạo thành không gian sách – cà phê đẹp và xanh để nhân viên… bị thu hút, thấy có nhu cầu cần đến đây nếu muốn phát triển bản thân và thăng tiến”, ông Thái nói.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn đào tạo, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn nhận định: “Phát triển văn hóa doanh nghiệp không thể thiếu văn hóa đọc”. Tuy nhiên, chúng ta phải dẫn ra nguyên tắc phương pháp dạy học cho người lớn vì không thể bắt mọi người đọc gì, làm gì khi họ không thích mà phải tạo ra phương pháp cho nhân viên học thông qua việc nghe, nhìn, tương tác, hoạt động.
“Người lãnh đạo cần suy nghĩ, phát triển điều đó. Đặc biệt, ngoài việc tạo không gian đọc thì hiểu tâm lý của nhân viên”, ông nhấn mạnh.
Ông Thái tiếp: “Ở nước ngoài, 80% doanh nghiệp đều dành thời gian đọc sách, họ luôn mang theo cuốn sách, tận dụng mọi thời gian để đọc sách vì không muốn tụt hậu. Những doanh nghiệp đó luôn khuyến khích nhân viên đọc sách, ban đầu là tạo ra sức ép, dần dần hình thành thói quen và tạo nên một văn hóa chia sẻ những cuốn sách hay cho nhóm, cộng đồng”.
Văn hóa đọc mang lại giá trị gì?
Theo bà Châu, mặc dù chưa thể đo đếm hiệu quả từ việc đọc sách nhưng chúng tôi vẫn nói với nhau: “Đọc sách như ăn đồ bổ hằng ngày, không bổ chỗ này thì bổ chỗ kia nên cần đọc nhiều và mỗi ngày”. Hơn nữa, đọc sách cũng là cách rèn trí nhớ, tăng khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra nhận định nhanh hơn.
Với 36 công ty thành viên ở các lĩnh vực khác nhau cùng những nhân viên quản lý rất trẻ, theo ông Thái, việc đọc sách giúp nhân viên thay đổi ý thức và văn hóa của C.T Group là văn hóa thượng tôn kỷ luật.
Bà Hạnh cũng cho biết, giá trị lớn nhất của sách là được “lớn lên từng ngày qua những trang sách, những bài học của các doanh nhân đi trước, thấy mình trong từng sách như những trường hợp cụ thể”.
“10 năm làm nội thất gỗ sồi xuất khẩu, gặp rất nhiều vướng mắc về thị trường, khó khăn về nhân sự… tôi đang ấp ủ sẽ viết lại những câu chuyện khởi nghiệp để thành bài học cho các thế hệ sau”, bà Hạnh tiết lộ.
Đưa ra bí quyết làm sao để đọc hết lượng sách khổng lồ trong thời gian ngắn, ông Dương cho biết đó là cách đọc chéo để bao quát nhanh nội dung trang sách trong thời gian nhanh nhất. Đọc các từ khóa quan trọng của cuốn sách trước và đọc sâu hơn khi cần. Với cách này tôi đọc cuốn 350 trang trong vòng khoảng 2 tiếng.
Chia sẻ ngắn gọn giá trị của việc đọc, bà Châu nói: “Tôi của ngày hôm nay là thành quả do sách mang lại”. Không thể phủ nhận văn hóa đọc và giá trị từ sách mang lại, nhưng các diễn giả cũng cho rằng: “Cần phải chọn lọc sách để đọc”.
“Ngày xưa phải nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ kinh khủng và sách đã giúp tôi cải thiện kỹ năng giao tiếp? Cuốn sách ảnh hưởng đến tôi là Đắc nhân tâm, mang đến cho tôi cách ứng xử, nhìn xung quanh, tạo mối quan hệ lâu dài với mọi người”, bà Châu chia sẻ.
Ông Thái đồng tình, không khuyến khích những đầu sách chung chung, mà phải giới thiệu những đầu sách liên quan, cần thiết trực tiếp cho công việc của công ty cho nhân viên. Ví dụ, sau cuốn sách của Uông Trung Cầu thì sắp tới đây là cuốn Đừng bao giờ bỏ cuộc của Trump; nhóm thứ hai là sách về nghiệp vụ liên quan đến từng phòng ban.
Văn hóa đọc có bị mai một?
Cho rằng sách đang dần bị lãng quên vì có quá nhiều kênh để khám phá như online, internet… bà Hạnh khẳng định: “Văn hóa đọc đang bị mai một”. Nhưng bà Châu lại nghĩ khác: “Văn hóa đọc không mất đi, mai một mà đang biến từ dạng này qua dạng khác”.
Ông Thái cũng cho rằng hình thức đọc đã thay đổi. Trước đây muốn đọc cuốn Đại Việt sử ký toàn thư thì phải ra thư viện, đăng ký đọc. Bây giờ chỉ vài click chuột là thấy với những định dạng hấp dẫn, có sách nói, có infographic minh họa…
Trả lời câu hỏi của nhiều bạn trẻ: “Vì sao đọc nhiều sách về làm giàu như cuốn Làm giàu không khó nhưng tôi vẫn thất bại và làm giàu… khó quá?”, ông Dương trả lời dí dỏm: “Cả đời tôi cũng không dám viết cuốn Làm giàu không khó vì thực sự là rất khó. Tôi không bao giờ khuyến khích học viên rằng làm giàu dễ dàng, nhưng phải nỗ lực từng ngày từng ngày, tập trung vào công việc của mình thì một ngày nào đó chúng ta sẽ rất khá, tôi không nói là giàu nhưng chắc chắn sẽ rất khá”, ông nói.
Các tin tức khác
VĂN HÓA ĐỌC TRONG DOANH NGHIỆP LÂM HOÀNG PHÁT
Tại sao xây dựng văn hóa đọc lại khó như thế?
Bà Tâm Như Hạnh – CEO Công ty TNHH MTV Nội thất gỗ sồi Lâm Hoàng Phát chia sẻ: văn hóa đọc không chỉ khó khăn đối với các công ty làm trong ngành dịch vụ mà đối với công ty Lâm Hoàng Phát càng khó hơn nữa. Một phần đối tượng đa số 60% là công nhân và 40% còn lại là công nhân viên văn phòng. Vậy thì làm sao chúng ta có thể khuyến khích cho họ tiếp cận từ cấp độ thấp nhất cho đến nâng cao.
Học Tiếng Hoa
Tommy nói Tiếng Hoa
Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Khó hay dễ?
Nằm trong Tuần lễ Doanh nhân và Sách do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam (chi nhánh phía Nam), Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức, tọa đàm “Văn hóa đọc trong doanh nghiệp” (xem VIDEO tại đây)
Để lại một bình luận